Bệnh ung thư là gì? (Phần 1 )

Benhthan.org xin chia sẻ với các bạn seri bài viết về ung thư, được nghiên cứu, soạn bởi một tiến sỹ công nghệ sinh học, Đại học Cambridge:
Phần 1 – Ung thư là gì?

Phần 2 – Nguyên nhân gây ung thư và cách phòng tránh ung thư

Phần 3 – Tầm soát, chẩn đoán và điều trị ung thư

Phần 4 – Những quan niệm sai lầm về ung thư

 

Phần 1 – Ung thư là gì?

Trong tiếng Hán Nôm, ung thư nghĩa là …Định viết mở đầu như thế nhưng mà google mãi chả ra cái khỉ gì. Ra được một trang nói ung là những loại nhọt độc ở ngoài da, miệng loét. Thư có nghĩa là nhọt độc ngầm trong thịt. Túm lại ung thư giống như nhọt độc ở khắp nơi trong cơ thể. Nghe cũng hơi hơi có lý, mà ko biết đúng hay ko. Ai biết tiếng Hán Nôm thì kiểm chứng hộ nhé.

Ung thư trong tiếng Anh là cancer, giống tên của cung hoàng đạo Cự giải (Cancer 22/06-23/07) hình con cua. Từ này xuất phát từ carcinoma trong tiếng Hi Lạp cổ nghĩa là cua. Hippocrates dùng hình ảnh con cua để thể hiện những chân rễ lan ra từ khối u. Nếu tinh ý, bạn sẽ nhận thấy hình ảnh này chỉ có thể áp dụng với các khối u đặc, còn với ung thư máu thì chắc phải dùng hình ảnh đàn sứa.

Tế bào ung thư

Tế bào ung thư

Siddhartha Mukherjee thì gọi ung thư bằng một cái tên hoành tráng “Ông hoàng của các loại bệnh”, và làm hẳn một quyển sách to tổ bố về bệnh ung thư có tiêu đề The emperor of all maladies: a biography of cancer (Tạm dịch: Ông hoàng của các loại bệnh: tiểu sử ung thư). Đây là một trong những quyển sách hay nhất mình đã từng đọc. Nhờ cuốn này mà Siddartha Mukherjee đã được trao giải Pulitzer năm 2011 cho thể loại General Nonfiction.

Còn trên các trang thông tin chính thống của WHO, các bộ y tế, các viện nghiên cứu, v.v, ung thư thường được định nghĩa là

  • Một NHÓM các bệnh (không phải một bệnh, có hơn 200 bệnh ung thư khác nhau)
  • Liên quan tới việc phát triển một cách mất kiểm soát của các tế bào bất bình thường,
  • Và những tế bào đó có khả năng di chuyển và xâm lấn những mô khác.

Để dễ hiểu hơn, mọi người có thể tưởng tượng thế này: Cơ thể chúng ta gồm hàng tỉ tế bào, mỗi tế bào có một chức năng nhất định và phát triển một cách có trật tự. Tế bào sinh ra, trưởng thành, rồi chết đi theo một chu kỳ được kiểm soát chặt chẽ. Nó giống như hình ảnh xã hội của chúng ta, mỗi người làm một việc nhất định, người là kĩ sư, người là bác sĩ, người là giáo viên…Con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già đi, rồi chết. Trẻ phải đi học, đỗ cấp 1, cấp 2, cấp 3, rồi mới vào đại học. Đỗ đạt đầy đủ mới có ‘giấy phép hành nghề’ để làm bác sĩ, kĩ sư, giáo viên, v.v. Bác sĩ thì làm trong bệnh viện, giáo viên thì làm trong trường học, túm lại là chuyên môn hóa cao và được tổ chức rõ ràng. Xã hội có luật pháp, cảnh sát, tòa án, v.v. để đảm bảo mọi thứ vận hành trôi chảy và theo đúng trật tự. Cơ thể chúng ta ở mức độ tế bào cũng như vậy.

Ung thư xảy ra khi chu trình phát triển của tế bào bị mất kiểm soát, khiến cơ thể không hoạt động bình thường. Trở lại ví dụ trên, nó giống như một bộ phim kinh dị mà có một đứa trẻ sinh ra, lớn lên, rồi vì nhiều lí do khó hiểu mà dần biến thành zombie. Dù vậy, nó vẫn qua mắt được các cơ quan đoàn thể để chui vào bệnh viện hay trường học làm việc. Ghê hơn nữa là nó đẻ tiếp ra những đứa cũng như nó. Kinh dị nhất là chúng nó trở thành bất tử, và đi khắp nơi. Hậu quả là chả mấy chốc, chúng trở thành số đông và làm rối tung mọi thứ. Toàn bộ hệ thống sớm muộn cũng sẽ bị đánh sập. Ung thư cũng giống như vậy.

Nếu đọc kĩ định nghĩa về ung thư, mọi người cũng có thể thấy ngay được sự khác biệt giữa u lành tính và u ác tính. Dù các khối u có thể xảy ra ở bất kì đâu trong cơ thể, và đều hình thành do sự phát triển bất bình thường của tế bào, u lành tính không xâm lấn sang các bộ phận khác nên không được coi là ung thư. U lành tính có thể dễ dàng được cắt bỏ. Tuy nhiên, đôi khi các u lành tính có thể phát triển đến một kích thước lớn, gây tác hại do chèn ép tới các cấu trúc xung quanh. Trong khi đó, u ác tính có khả năng phát triển nhanh chóng và xâm lấn sang các bộ phận khác của cơ thể, do đó gọi là ung thư.

 

Tế bào ung thư giống và khác tế bào bình thường như thế nào?

Tế bào ung thư chắc chắn là phải khác tế bào thường, nếu không đã chả có ai chết vì ung thư. Câu hỏi là khác tới mức nào. Năm 2000, hai nhà khoa học Hanahan và Weinberg đã viết một bài báo để đời trên tạp chí Cell có tên Hallmarks of cancer, đưa ra 6 điểm khác biệt cơ bản của tế bào ung thư với tế bào thường. Năm 2011, hai tác giả này viết một bài update với 4 điểm khác biệt mới, nâng tổng số lên 10. Hai bài báo này hiện vẫn xếp hạng #1 và #2 trong số những bài báo được trích dẫn nhiều nhất của tạp chí Cell. Bạn nào hứng thú có thể tìm đọc Hallmarks of cancer: the next generation.

Tế bào ung thư

Tế bào ung thư

  1. Khả năng tự kích thích sinh trưởng (Self-sufficiency in growth signals): Bình thường các tế bào trong cơ thể chúng ta chỉ phân chia khi nào và ở chỗ nào cần thiết. Chúng ngừng sinh trưởng và phân chia khi số lượng tế bào đạt đến một ngưỡng nhất định. Giống như mô hình kế hoạch hóa gia đình lí tưởng ở cả mức vi mô và vĩ mô. Chỗ nào ít dân thì tự động đẻ thêm, chỗ nào nhiều quá thì tự động ko đẻ nữa. Đó là lí do khi bạn bị một vết cắt trên da chẳng hạn, da non chỉ mọc lên đến khi lấp đầy vết thương, chứ không tiếp tục sinh sôi thêm. Các tế bào thường cần các ”tín hiệu” chỉ dẫn khi nào thì tăng trưởng, khi nào thì phân chia, v.v. Tế bào ung thư có khả năng sinh trưởng mà không cần tới các tín hiệu này bằng nhiều cách khác nhau. Giống như một chiếc xe đi trên đường, thay vì tuân theo luật giao thông, tuân thủ biển báo tốc độ, đi theo đèn tín hiệu, chiếc xe ung thư có khả năng lao nhanh hết sức vì chân ga bị kẹt, đồng thời nó có khả năng làm hỏng đèn đỏ và đổi màu tất cả các đèn giao thông trên tuyến đường nó đi qua sang đèn xanh.
  2. Mất khả năng phản ứng với tín hiệu chống tăng sinh (Insensitivity to anti-growth signals): ngoài ‘chân ga’ là các tín hiệu tăng sinh (tăng trưởng + sinh sản), tế bào cũng có ‘chân phanh’ là các tín hiệu chống tăng sinh, ví dụ khi DNA bị hư hỏng, hay khi số lượng tế bào đã đủ lấp đầy không gian xung quanh. Tế bào ung thư bị hỏng mất ‘chân phanh’ này nên có khả năng tăng trưởng và phân chia ngay cả khi DNA bị hư hỏng nặng.
  3. Chống lại cơ chế tự chết theo chương trình (Evading apoptosis): khi bị hư hỏng hoặc già đi, tế bào thường tự sửa chữa các lỗi hư hoặc sẽ làm ‘cảm tử quân’ tự chết theo chương trình được lập sẵn (apoptosis). Tế bào ung thư thì ngược lại, chả thèm sửa, và cũng chả buồn chết dù hỏng hóc đầy mình. Chúng có thể làm được điều này bằng cách thay đổi cơ chế phát hiện các tổn thương hay bất thường, hoặc có hỏng hóc ở chính đường truyền tín hiệu tự chết.
  4. Khả năng nhân bản vô hạn (Limitless replicative potential): các tế bào thường sẽ chết sau một số lượt phân chia nhất định. Nhưng tế bào ung thư có khả năng nhân bản vô hạn, và trở thành ‘bất tử’. Dòng tế bào người ‘bất tử’ nổi tiếng nhất thế giới Hela có nguồn gốc từ các tế bào ung thư cổ tử cung của bệnh nhân Henrietta Lacks được lấy từ ngày 8/2/1951. Đây là dòng tế bào người bất tử lâu đời nhất, và được sử dụng nhiều nhất lại các phòng thí nghiệm. Trong khi các tế bào thường lấy từ mô của người/động vật cho ra nuôi cấy chỉ vài bữa là chết hết, bản thân bệnh nhân Henrietta Lacks đã mất từ ngày 4/10/1951, tế bào Hela sau hơn 60 năm vẫn ‘trường thọ’ trong các phòng thí nghiệm. Mình vẫn nhớ hồi xưa từng khai quật một dòng tế bào xuất thân từ tế bào ung thư gan được trữ lạnh mấy chục năm. Thế mà cho ra nuôi cấy cũng sống ầm ầm.
  5. Khả năng tăng sinh mạch máu bền vững (Sustained angiogienesis): hệ thống mạch máu trong cơ thể chúng ta thâm nhập vào tất cả các mô, các cơ quan nội tạng để đảm bảo tất cả các tế bào nhận được đầy đủ oxy. Thường mạch máu mới chỉ phát triển trong một số trường hợp nhất định như trong quá trình bào thai lớn lên, khi cơ thể làm lành vết thương, hoặc trong chu trình kinh nguyệt ở nữ giới. Khi khối ung bướu phát triển, nó có khả năng ‘lừa’ cơ thể để sản sinh các mạch máu cung cấp oxy cho các tế bào ung thư.
  6. Khả năng xâm lấn mô xung quanh và di căn (Tissue invasion and metastasis): tế bào thường tiết ra các chất giúp chúng ‘dính’ với nhau và ở một chỗ nhất định tùy thuộc vào chức năng của tế bào đó. Các tế bào gan ở chung với nhau trong gan, các tế bào phổi ở chung với nhau ở trong phổi, không có lang chạ sang nhà hàng xóm. Nhưng tế bào ung thư thiếu các chất kết dính này nên chúng có thể đi tha hương, lang thang theo đường máu hoặc hệ bạch huyết đến các vùng đất mới. Gặp chỗ đất lành chim đậu, các tế bào ung thư sẽ tạm dừng chân, sinh sôi này nở, tạo thành các khối u ở những vị trí mới cách xa khối u ban đầu. Đấy chính là ung thư di căn.
  7. Trao đổi chất không kiểm soát (Deregulated metabolism): đa số các tế bào ung thư sử dụng các quá trình trao đổi chất bất thường để sản sinh năng lượng. Mấy bài báo nhảm nhí chia sẻ chế độ ăn kiêng đường, rồi thực dưỡng chữa ung thư cũng sinh ra từ việc hiểu sai đặc điểm này của tế bào ung thư. Mình sẽ viết thêm về chủ đề này trong các phần tiếp theo.
  8. Khả năng qua mặt hệ miễn dịch (Evading the immune system): hệ miễn dịch của cơ thể là một hệ thống phòng ngự thông minh tuyệt vời. Khi phát hiện các ‘vật thể lạ’ như vi khuẩn, virus, các tế bào lạ, hay các khi tế bào thường bị hư hỏng nặng, hệ miễn dịch sẽ ra tay loại bỏ. Thế nên mới có chuyện khi hệ miễn dịch bị suy yếu như trong trường hợp AIDS, bệnh nhân sẽ rất dễ tử vong vì nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, v.v. Ngược lại, trong trường hợp ghép tạng, bệnh nhân buộc phải dùng thuốc chống thải ghép, nếu không hệ miễn dịch sẽ tấn công và đào thải tạng được ghép. Tế bào ung thư có khả năng qua mặt hệ miễn dịch bằng 2 cách: ‘lừa’ các tế bào miễn dịch khiến chúng không nhận ra tế bào ung thư, hoặc tiết ra các chất làm vô hiệu quá tế bào miễn dịch. Khôn chưa?
  9. Sự bất ổn trong bộ gene (Genome instability): các tế bào ung thư thường có các bất thường trong bộ gene, và các bất thường này sẽ càng trầm trọng hơn khi ung thư tiến triển. Tế bào Hela là một ví dụ điển hình khi có tới 82 nhiễm sắc thể, trong khi tế bào thường chỉ có 46. Quái vật! Do sự bất ổn này mà nhiều tế bào ung thư không phát triển bình thường, do đó cũng không hoạt động được bình thường. Ví dụ bạch cầu (một loại tế bào máu) giúp cơ thể chiến đấu chống lại các bệnh truyền nhiễm và các bệnh khác. Khi bị ung thư bạch cầu (một dạng ung thư máu, hay còn gọi là bệnh máu trắng), dù số lượng bạch cầu trong máu cao hơn bình thường, nhưng đa số các tế bào này không phải tế bào bạch cầu trưởng thành nên không chống được cái gì sất, dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng cao.
  10. Viêm giúp thúc đẩy khối u (Tumor-promoting inflammation): nghe hơi ngược đời, nhưng các khối ung bướu thường có rất nhiều các tế bào miễn dịch xâm nhập, giống như trong trường hợp viêm nhiễm ở các mô thường. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy phản ứng viêm này có tác dụng giúp cho ung thư tiến triển bằng cách cung cấp các tín hiệu cần thiết cho sinh trưởng, các enzyme giúp tế bào ung thư di căn, v.v. Giống như cảnh sát xuất hiện đầy đường nhưng thay vì bắt kẻ cướp nhà băng thì lại bị nó thôi miên để giúp trốn thoát.

 

Điều gì xảy ra bên trong tế bào ung thư?

Viễn cảnh một tế bào bình thường trở thành tế bào ung thư cũng giống như việc một đứa trẻ xinh đẹp, thông minh một ngày trở thành quái vật. Khó hiểu phết, nhỉ? Việc này không xảy ra một sớm một chiều mà do nhiều thay đổi nhỏ dần tích tụ lại. Muốn thành cao thủ giang hồ thì phải lăn lộn học hết mấy món võ nghệ, chứ không phải một ngày đẹp trời ngủ dậy là thành cao thủ. Ví dụ một số món võ cần thiết cho ung thư:

  • Tế bào ung thư cần có được khả năng sinh trưởng và phân chia ngay cả khi không cần thiết
  • Tế bào ung thư cần có khả năng qua mặt những tín hiệu nhắn nó ‘thôi ‘bà nội’ bệnh quá rồi, chết đi cho chúng con nhờ’ mà nhe nhởn sống tiếp dù hỏng hóc đầy mình
  • Tế bào ung thư cần có khả năng khinh đời mà không thèm dính lấy các tế bào khác như các tế bào thường. Như vậy mới đi mở rộng thanh thế được (di căn).

Những khả năng này chỉ có được khi có những thay đổi (đột biến) nhất định trong những genes kiểm soát việc sinh trưởng, phân chia tế bào, và sửa chữa DNA. Bình thường, đấy chính là những ‘cảnh sát’, ‘tòa án’, ‘luật pháp’, ‘đèn giao thông’ của tế bào, giúp các tế bào phát triển bình thường, và theo đúng chu trình. Khi các gene này có vấn đề, tế bào sẽ có vấn đề, dẫn đến cơ thể chúng ta có vấn đề.

  • Một số đột biến gene là do di truyền: cái này thì chỉ biết về bắt đền bố mẹ thôi. Các đột biến dạng này có thể khiến bạn có nguy cơ bị ung thư cao hơn những người khác, chứ không phải chắc chắn bạn sẽ bị ung thư. Đời bạn sẽ xám hơn (xám nhạt hay xám đậm thì tùy loại đột biến và số lượng đột biến) nhưng không phải là màu đen hoàn toàn.
  • Đa số đột biến xảy ra sau khi bạn ra đời, do yếu tố môi trường và không di truyền (bạn không bắt đền bố mẹ được). Đột biến gene xảy ra thường xuyên trong quá trình phát triển của tế bào, nhưng các tế bào rất thông minh và có các cơ chế để nhận ra, và sửa chữa các đột biến này. Nhưng giống như bất kì hệ thống nào, thỉnh thoảng cũng có lỗi, và các đột biến bị bỏ qua, ko được sửa chữa.

Các đột biến bạn sinh ra đã có (di truyền) và các đột biến bạn tích tụ được theo thời gian có thể tương tác với nhau, và gây ra ung thư. Không ai biết cần có bao nhiêu đột biến thì một tế bào thường mới trở thành ung thư. Điều này phụ thuộc vào kiểu đột biến, và loại tế bào. Thế mới khó!

Vậy cái gì gây ra đột biến gene dẫn tới ung thư? Hãy đón đọc phần 2: Nguyên nhân gây ung thư và cách phòng tránh ung thư.

Nguồn:  myhalfcentblog.wordpress.com

0.0Overall Score
Review Overview

    Để lại nhận xét